Các danh lam cổ tự của Trung quốc thường xuất hiện trong thâm sơn cùng cốc, non xanh nước biếc, phong cảnh hữu tình, khí hậu mát mẻ. Đây là nơi có điều kiện rất phù hợp với việc trồng và sự tăng trưởng của cây trà. Theo những thông tin đã được ghi chép lại rằng các tăng ni trong chùa bắt đầu trồng trà từ rất sớm, đã tìm ra và trồng được những loại trà ngon lưu truyền lại cho hậu thế ngày nay. Ví dụ như trà Mông Đỉnh của Tứ Xuyên, trà Bích La Xuân của Tô Châu, trà Tùng La của An Huy, trà Mao Phong của Hoàng Sơn, trà đại hồng bào của Vũ Di Sơn…. Từ đó có thể thấy mối nhân duyên giữa trà và thiền sâu sắc đến mức nào.

Những truyền thuyết Phật giáo và trà
Những truyền thuyết Phật giáo và trà

Những truyền thuyết về Phật giáo và trà còn được lưu truyền đến ngày nay đã trở thành những câu chuyện thần kì giả tưởng có sức thu hút rất lớn trong văn hóa thiền trà.

Truyền thuyết về trà Thiết Quan Âm

Trà Thiết Quan Âm là một trong mười loại trà nổi tiếng của Trung quốc, thuộc loại trà Ô Long, được sản xuất nhiều ở huyện An Khê, Phúc Kiến. Trong dân gian còn lưu truyền một truyền thuyết có liên quan đến loại trà này và Phật giáo.

Truyền thuyết kể rằng vào đời nhà Thanh, năm Càn Long thứ hai (1737), tại huyện An Khê có một người tên là Nguy Ẩm vô cùng tin Phật, mỗi buổi sáng sớm đều dâng lên trước tượng Quán Thế Âm Bồ Tát một cốc trà ngon, việc này diễn ra liên tục chưa bao giờ bị gián đoạn.

Vào một đêm, Ngụy Ẩm mộng thấy ở trên vách núi có một cây trà tỏa ra mùi thơm của hoa lan, đang lúc định hái, bị tiếng chó sủa ở đâu làm tỉnh mất cơn mộng. Sang ngày hôm sau, quả nhiên ở trên chởm đá ông tìm thấy một cây trà giống hệt cây trà trong mộng. Do đó Ngụy Ẩm hái một ít lá non mang về nhà chuyên tâm chế biến. Sau khi chế xong, vị trà dịu ngọt thơm ngon, làm tinh thần nhẹ nhàng. Ngụy Ẩm cho rằng đây là vua trong các loại trà, liền bứng cả cây trà mang về nhà làm giống để trồng. Vài năm sau, trà mọc nhiều và tươi tốt, cành lá xum xuê. Do vì lá trà đẹp như Ngài Quan Âm, nặng như sắt, mà lại do Ngài Quan Âm gia hộ báo mộng cho nên ông gọi là trà Thiết Quan Âm.

Có thể bạn quan tâm:  Cùng một loại trà, tại sao chúng ta không thể nếm hương vị giống như lần trước?

Sau khi hãm thành trà, ông phát hiện loại trà này đậm đặc hơn tất cả những loại trà khác. Hơn nữa, lá trà còn xanh xám như màu thép, liền thuận miệng gọi loại trà này là “trong như thiết”, cũng vì hương vị trà đậm đặc khác thường và Ngụy Ẩm thường dùng nó để dâng lên Bồ Tát Quán Âm nên không lâu sau đó người ta đổi tên cho loại trà này là trà “Thiết Quán Âm”.

Truyền thuyết về trà Đại Hồng Bào

Trà đại hồng bào là một loại của trà ô long có xuất xứ từ Vũ Di Sơn, Phúc Kiến. Đây là một trong thập đại danh trà nổi tiếng Trung Quốc với chất lượng tuyệt vời, với hương thơm hoa lan lâu bền, kéo dài, hương vị ngọt ngào. Trà đại hồng bào được oxy hóa tự nhiên từ 40%-60% dưới tác động của các enzyme thực vật có trong lá trà. Vì vậy mà nước trà đại hồng bào sau khi pha sẽ có màu đỏ cam. Không chỉ có hương vị thơm ngon ngọt, mà nó còn có rất nhiều lợi ích rất tốt cho sức khỏe con người.

Trà Đại Hồng Bào lúc đầu có tên gọi là “vương trà”, là một trong mười loại trà nổi tiếng Trung quốc, cũng thuộc loại trà Ô Long, được trồng ở núi Vũ Di.

Đây là loại trà có tiếng tăm nhất, đứng đầu bốn loại trà của Vũ Di, được gọi là “trong trà có thánh” và “hãm đến nước thứ bảy vẫn còn đậm mùi thơm”.

Về nguồn gốc của trà Đại Hồng Bào, có một truyền thuyết như sau

Ngày xưa, có một vị tú tài nghèo lên kinh đô dự thi, khi đi qua núi Vũ Di bị ốm ngã xuống, được lão phương trượng chùa Thiên Tâm nhìn thấy đưa về chùa, hãm một chén trà cho uống, bệnh liền khỏi ngay.

Về sau, vị tú tài đó đỗ trạng nguyên và được làm phò mã. Một ngày xuân nọ, vị trạng nguyên trẻ đến núi Vũ Di để tạ ơn, được lão phương trượng dẫn đến Cửu Long Khoa, nhìn thấy trên mặt đất những cây trà rất cao, cành lá tươi tốt, bên cạnh còn nhú lên những mầm cây non mập mạp, dưới ánh mặt trời sáng lên một màu tím hồng đẹp mắt, đáng yêu. Lão phương trượng nói, năm xưa cậu mắc bệnh cổ trướng, chính là những cây trà này đã chữa khỏi bệnh cho cậu.

Có thể bạn quan tâm:  4 hiểu lầm thường mắc phải đối với người chơi ấm tử sa

Trạng nguyên nghe vậy liền xin lão phương trượng một hộp trà đem về dâng lên Hoàng thượng. Ngày ấy trong chùa thắp hương đốt nến, rung chuông đánh trống, gọi tất cả hòa thượng trong chùa đến thẳng Cửu Long Khoa. Đám đông đến dưới gốc trà thắp hương bái Phật, đồng thanh kêu to “trà ra mầm”, sau đó hái lá trà chế biến cẩn thận rồi cho vào hộp thiếc. Sau khi vị trạng nguyên đem trà vào kinh, đúng lúc Hoàng hậu cũng đang mắc bệnh cổ trướng, nằm bất động trên giường. Vị trạng nguyên liền cho Hoàng hậu uống nước trà pha từ gói trà vừa mang về. Quả nhiênuống trà xong bệnh liền khỏi ngay. Hoàng thượng vô cùng vui mừng, liền tặng cho trạng nguyên một tấm đại hồng bào, nhờ trạng nguyên đến núi Vũ Di phong thưởng.

Trên đường đi pháo đốt liên hồi, đuốc cháy sáng rực. Đến Cửu Long Khoa, trạng nguyên liền leo một mạch lên đến lưng chừng núi, đặt hồng bào Hoàng thượng ban cho lên cây để biểu thị ân điển của Hoàng thượng. Kể cũng lạ, khi hồng bào được mở ra, những mầm lá trà trên cây bỗng sáng lên một ánh sáng màu hồng. Mọi người cho rằng đó là màu hồng lẫn màu của hồng bào. Vì thế, về sau người ta gọi loại trà này là trà “Đại Hồng Bào”. Có người còn khắc lên vách đá ba chữ “Đại Hồng Bào” rất lớn. Từ đó, Đại Hồng Bào trở thành một thứ trà hằng năm được dâng lên Hoàng thượng.

Truyền thuyết về trà Hoàng Sơn Mao Phong

Hoàng Sơn Mao Phong là một loại trà xanh trong “thập đại danh trà” nổi tiếng khắp Trung Quốc với chất lượng ngon tuyệt hảo, được đặt tên là Mao Phong vì đầu lá có lông tơ. Nó được sản xuất tại khu tân minh hương thuộc quận Hoàng Sơn, tỉnh An Huy. Là sản phẩm trà của Hoàng Sơn, trà Mao Phong được trồng trên núi Hoàng Sơn – một địa danh du lịch nổi tiếng của Trung quốc.

Hoàng Sơn là di sản thiên nhiên thế giới từ năm 1990 do có vẻ đẹp thiên nhiên khác thường và là nơi sinh sống của nhiều loài quý hiếm bị đe dọa. Khu vực này nổi tiếng vì có cảnh quan đẹp, nằm bên các vách đá, đỉnh núi đá granite có hình dạng khác thường

Mao Phong của Hoàng Sơn được liệt vào danh sách trà lễ của đất nước. Mỗi năm vào những dịp lễ tết đều được vận chuyển đến các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu để chiêu đãi bạn bè quốc tế. Ngày nay còn lưu truyền một truyền thuyết thú vị về cây trà Mao Phong này.

Có thể bạn quan tâm:  Cách dưỡng ấm tử sa hàng ngày và sau khi lưu giữ

Khoảng niên hiệu Thiên Khải (1621-1627) nhà Minh, 1 vị quan tân nhiệm Phùng Khai Nguyên của một huyện vùng Giang Nam đã đem theo thư đồng đến núi Hoàng Sơn du xuân, bị lạc đường. Ông gặp một vị hòa thượng già lưng đeo gùi, liền theo vị hòa thượng đó vào chùa trú tạm. Khi vị trưởng lão nhà chùa hãm trà mời khách, viên quan tri huyện quan sát rất tỉ mỉ màu sắc của trà, cách thức rót trà khéo léo uyển chuyển. Nước trà khi rót ra chỉ nhìn thấy một luồng khí ấm quyện quanh bát trà, quyện đến trung tâm của bát thì tạo thành một luồng khí theo phương thẳng đứng bay lên nghi ngút cao chừng một thước, sau đó lại cuộn thêm một vòng tròn nữa trong không khí rồi từ từ hình thành một đóa sen trắng vô cùng đẹp mắt. Đóa sen đó sau khi hình thành tiếp tục lan tỏa trong không khí làm cho cả căn phòng tràn ngập một mùi hương thanh khiết.

Tri huyện hỏi ra mới biết đây chính là trà Mao Phong của Hoàng Sơn. Lúc chia tay, vị trưởng lão còn tặng cho quan tri huyện một gói trà Mao Phong, một vò nước suối lấy từ núi Hoàng Sơn và còn dặn dò thêm rằng nhất định phải dùng nước này để hãm trà, như thế mới có thể hình thành được hình ảnh đóa sen trắng đặc biệt.

Sau khi Phùng Khai Nguyên trở về nha huyện thì gặp bạn cũ là tri huyện Thái Bình đến thăm. Ông liền biểu diễn luôn cho bạn xem kĩ thuật pha trà Mao Phong của Hoàng Sơn mà mình vừa học được. Tri huyện Thái Bình vô cùng ngạc nhiên và thích thú. Về sau, ông này vào kinh thành bẩm tấu lên hoàng thượng và muốn dâng lên ngài thứ trà tiên này để ngài thưởng thức. Hoàng thượng lệnh cho tri huyện Thái Bình vào cung biểu diễn cho ngài xem. Nhưng thật không may, chẳng thấy hình ảnh sen trắng xuất hiện. Hoàng thượng vô cùng tức giận. Tri huyện Thái Bình đến nước này chỉ còn cách nói ra sự thật đó là trà của Phùng Khai Nguyên tặng. Hoàng thượng lập tức truyền lệnh triệu Phùng Khai Nguyên vào cung. Phùng Khai Nguyên đem câu chuyện của mình trong lần du xuân và những lời dặn dò của vị trưởng lão ra thuật lại cho mọi người nghe. Sau khi nói rõ nguyên do liền xin phép Hoàng thượng cho mình về Hoàng Sơn lấy nước.

Có thể bạn quan tâm:  Uống trà như thế nào để giảm cân?

Phùng Khai Nguyên đến Hoàng Sơn bái kiến vị trưởng lão, vị này liền lấy nước suối Hoàng Sơn đưa cho ông ta. Phùng Khai Nguyên trở về kinh thành dùng nước vừa lấy về hãm trà Mao Phong, quả nhiên có đóa sen trắng từ từ xuất hiện. Hoàng thượng nhìn chăm chú không chớp mắt, vô cùng ngạc nhiên và thích thú liền nói với Phùng Khai Nguyên: “Khanh có công dâng trà quý, nay thăng chức cho khanh làm tuần phủ Giang Nam, ba ngày sau lên đường nhậm chức.” Phùng Khai Nguyên khảng khái nói: “Trà Hoàng Sơn vốn đã ngon như vậy chứ đâu phải do thần làm nên sự đặc sắc của nó.” Nói xong, ông hạ mũ ô sa xin từ quan, đến chùa Vân Cốc ở Hoàng Sơn xuất gia làm hòa thượng, pháp danh Chính Chí.

Ngày nay, bên đường vào chùa Vân Cốc có một nơi còn di chỉ để lại của Đại sư Mộ Thác. Tương truyền đó chính là phần mộ của hòa thượng Chính Chí.

Truyền thuyết trà Tùng La ở An Huy

Tại Tu Ninh, An Huy có một ngọn núi, trên núi mọc lên um tùm một loại cây tùng la, vì vậy ngọn núi này có tên gọi là núi Tùng La. Những cây trà mọc trên ngọn núi này được gọi là trà Tùng La.

Loại trà này phiến lá dày, các gân lá mảnh, độ mềm cao, các lá mọc xen kẽ rất dày, màu sắc lá sáng, sau khi hãm mùi hương lan tỏa khắp nơi làm nao nức lòng người. Cổ nhân từng bình luận: “Tùng La hương khí tái Long Đỉnh”. Kỳ lạ hơn nữa là loại trà này còn được dùng làm vị thuốc hết sức kỳ diệu. Các lương y vùng Kinh Tân, Tế Nam vẫn thường xuyên dùng trà Tùng La để làm thuốc trị bệnh cao huyết áp, làm giảm mệt mỏi, giúp tăng cường tiêu hóa…

Tại sao trà Tùng La lại được dùng làm vị thuốc?  Đây là vấn đề mà nhiều người yêu trà rất quan tâm.

Vào khoảng niên hiệu Hồng Vũ, 1 việc thờ cúng của chùa Nhượng Phúc trên núi Tùng La cực thịnh, trong chùa có đến hơn 40 tăng ni. Chùa Nhượng Phúc không giống như các chùa khác, trước cửa chùa không phải là hai pho tượng hình sư tử mà là hai vại nước. Hai vại nước đó không ai biết đã được đặt tại đó từ khi nào. Nhưng thời gian hẳn đã khá lâu nên lục bình đã mọc lên rất nhiều, màu sắc của nước trong vại cũng một màu xanh biếc. Những vị quan chức, ông chủ hay thương nhân vùng Tô Châu thường xuyên vào núi dâng hương, nhìn thấy lục bình trong hai vại nước đều không ngớt lời tán tụng.

Có thể bạn quan tâm:  Long tỉnh - Thập đại danh trà nổi tiếng

Có một năm, một hương khách từ xa đến đứng trước cửa chùa nhìn thấy hai vại nước đó liền quan sát tỉ mỉ từng li từng tí, mất đến hơn hai tiếng đồng hồ, sau đó mới đi thẳng vào lễ đường của nhà chùa, cung kính khom lưng trước hòa thượng trưởng lão của chùa và nói: “Phương trượng, kẻ hèn này nhìn thấy quý chùa có đôi bảo bối nên muốn mua lại với số tiền lớn, chẳng hay ý phương trượng thế nào?”

Lão hòa thượng nghe vậy lấy làm khó hiểu: trong chùa làm gì có bảo bối đáng nhiều tiền kia chứ? Liền quay sang hỏi vị khách lạ: “Thí chủ nói vậy không biết là chỉ vật gì?”

Vị khách nói: “Chính là hai vại nước trước cửa nhà chùa.” “À!”, lão hòa thượng như vừa tỉnh cơn mộng nói liền một mạch: “Đúng vậy, đúng vậy, thời gian đã lâu quá rồi, hai vại nước đó đã nhận được không biết bao nhiêu linh khí của trời đất và không biết bao nhiêu tinh hoa của năm tháng, chẳng trách là đáng quý. A-di-đà Phật, chẳng trách là đáng quý!” Sau đó, hai người thỏa thuận giá hai chiếc vại đó là 300 lạng vàng. Vị khách nọ vừa đi, lão hòa thượng sợ rằng hai vại nước đó sẽ bị ăn trộm mất, liền gọi tất cả tăng ni trong chùa đến và bảo họ mỗi người góp một tay, đổ hết nước trong vại và đánh rửa vại thật sạch sẽ, cất vào bên trong chùa. Ba ngày sau vị khách nọ quay lại.

Vừa nhìn thấy hai vại nước đã được đánh rửa sạch sẽ và trống không liền không kìm được lòng, lắc đầu kêu lên: “Đáng tiếc, đáng tiếc! Bảo khí đã mất, chẳng còn tác dụng gì nữa rồi!” Lão hòa thượng thật không nghĩ rằng mình đã làm một việc không cần thiết, thậm chí còn ngu ngốc nữa. Ông vô cùng hối hận nhưng chẳng thể làm gì được nữa. Trong lúc lão hòa thượng đang hối hận tột cùng thì người khách lạ quay lại và nói với ông rằng: “Lão phương trượng, ông không nên quá lo lắng và đau khổ như vậy. Thực ra bảo khí vẫn còn ở trước cửa chùa, chính là nơi mà các vị đã đổ nước từ trong hai cái vại đó ra. Nếu như trồng cây trà trên đó thì sẽ sinh ra một loại trà vô cùng đặc biệt, chỉ cần “uống ba cốc mà còn say hơn nghìn chén trà loại khác”.

Có thể bạn quan tâm:  Các loại trà nên pha bằng ấm tử sa Nghi Hưng

Lão hòa thượng liền cho tăng ni trong chùa đem trà trồng lên vùng đất đó. Quả nhiên, nơi đó mọc lên một vườn trà xanh mướt một màu, không giống với bất kì loại trà nào. Lão hòa thượng liền coi đó là thứ trà quý của chùa Nhượng Phúc và đặt tên là trà Tùng La, được truyền lại mãi cho đến đời sau.

Hai trăm năm sau, thời vua Minh Thần Tông, khắp một vùng Tu Ninh bị dịch bệnh thương hàn hoành hành, nhân dân trong vùng đua nhau đến chùa Nhượng Phúc thắp hương bái Phật, cầu mong Bồ Tát phù hộ che chở. Tất cả những người đến chùa cầu Phật tổ ban phước lành đều được phương trượng của chùa tặng một gói trà Tùng La, bên ngoài còn ghi cách dùng: Người bệnh nhẹ, hãm trà với nước sôi uống đều đặn, sau hai đến ba ngày bệnh sẽ khỏi; người bệnh nặng dùng trà này sao với gừng, muối, gạo nếp, sau đó nghiền nát rồi hãm uống, sau hai đến ba ngày bệnh sẽ khỏi.

Quả nhiên, sau khi dùng mọi người thấy có hiệu quả rõ rệt, bệnh thương hàn được chữa khỏi. Như vậy, trà Tùng La trở thành phương thuốc kì diệu và bỗng chốc trở nên nổi tiếng khắp mọi nơi.

Truyền thuyết về trà Huệ Minh

Trà Huệ Minh có tên cũ là “bạch trà”, được trồng xung quanh chùa Huệ Minh, núi Xích Mộc, huyện Cảnh Ninh, tỉnh Triết Giang. Các vườn trà hầu như đều nằm trên những dốc núi cao khoảng 600 mét so với mực nước biển. Đất đai ở đây màu mỡ, lượng mưa dồi dào, sương và mây hòa quyện đêm ngày một màu trắng xóa, rất phù hợp với sự sinh trưởng của cây trà.

Trà Huệ Minh là loại trà nổi tiếng của Triết Giang, đứng đầu trong danh sách các loại trà nổi tiếng trong cả nước, năm 1915 được chọn để đem sang hội chợ triển lãm do Panama tổ chức. Tại hội chợ đó, trà Huệ Minh đã được nhận giấy chứng nhận chất lượng hảo hạng và đạt giải thưởng sản phẩm có chất lượng vàng. sau đó, tên tuổi của loại trà này được biết đến ngày một nhiều hơn và ngày càng trở nên thịnh hành, được gọi là “Huệ Minh chất lượng vàng”. Năm 1982 và năm 1986 trà Huệ Minh được bình chọn là loại trà nổi tiếng hàng đầu của Trung quốc, trở thành sản phẩm quý trong các sản phẩm quý.

Có thể bạn quan tâm:  Tứ tuyệt hảo hạng của trà Long Tỉnh là gì

Tương truyền vào thời Đường, niên hiệu Đại Trung,1 có một người tên là Lôi Thái Tổ đem theo bốn người con trai từ Quảng Đông đến Giang Tây rồi lại từ Giang Tây lưu lạc đến Chiết Giang. Trên đường đến Chiết Giang, họ gặp một vị hòa thượng. Bèo nước gặp nhau, họ nhanh chóng trở thành những người bạn đồng hành thân thiết. Cũng như cha con Lôi Thị, vị hòa thượng nọ cũng đến Chiết Giang.

Sau khi chia tay nhau, Lôi Thái Tổ dựng tạm một mái nhà tranh trên một ngọn núi để trồng cây trà giá lạnh của huyện Cảnh Ninh. Năm cha con họ khai khẩn, trồng trọt sinh sống qua ngày. Sau đó, những người có tiền và chút địa vị trong huyện phát hiện ra, liền cậy thế mạnh nói rằng cha con Lôi Thái Tổ đã chiếm đất của họ, và đuổi cha con họ đi.

Cha con Lôi Thái Tổ không còn con đường nào khác đành phải trở về với cuộc sống lưu lạc không tấc đất cắm dùi.

Cũng thật tình cờ, cha con họ gặp lại vị hòa thượng trước kia tại huyện Cảnh Ninh. Vị hòa thượng rất thông cảm với cảnh ngộ của cha con Lôi Thái Tổ nên đưa họ về chùa. Hóa ra vị hòa thượng đó chính là vị khai sơn chùa Huệ Minh trên núi Xích Mộc.

Vị hòa thượng bảo cha con Lôi Thái Tổ trồng trà ở những vùng đất xung quanh chùa Huệ Minh. Những vườn trà trồng ở đó lớn rất nhanh. Đây chính là xuất xứ của trà Huệ Minh trong truyền thuyết.

Trà Huệ Minh đã tuyệt vời, nước Nam Tuyền bên cạnh chùa Huệ Minh còn tuyệt vời hơn. Trà Huệ Minh mà pha với nước Nam tuyền thì chén thứ nhất nhạt, chén thứ hai bắt đầu cảm nhận được vị mới mẻ của trà, chén thứ ba thơm ngon, chén thứ tư thì không còn từ nào có thể diễn đạt được hết những nét đặc biệt mà không một loại trà nào có được; hương vị đậm đặc, giữ được lâu, uống xong mà vẫn còn lưu lại vị ngọt đằm thắm, thật xứng với sự nổi tiếng của nó trong xã hội.

Truyền thuyết về trà Vân Sương của núi Lư Trà Vân Sương được trồng trên núi Lư của tỉnh Giang Tây, hương thơm thanh thoát, dư vị tươi mát, quả đúng là trà được trồng trên núi cao danh bất hư truyền.

Truyền thuyết kể rằng, khi Tôn Ngộ Không còn là Hầu Vương tại Hoa Quả Sơn, thường ăn đào tiên, dưa và uống rượu. Có một hôm, Hầu Vương đột nhiên thích uống thứ trà tiên mà Ngọc Hoàng Đại Đế và Vương Mẫu Nương Nương đã từng uống, vì vậy, Hầu Vương một mình lên tận thiên cung. Khi về hạ giới, Hầu Vương vén mây nhìn xuống trần gian thấy Cửu Châu, Nam Quốc xanh mướt một màu. Hầu Vương quan sát kĩ hóa ra đó là một vùng toàn những cây trà.

Có thể bạn quan tâm:  Một số cách pha trà Long Tỉnh phổ biến

Thời gian đó đúng vào giữa mùa thu, cây trà đã kết hạt nhưng Tôn Ngộ Không lại không biết làm thế nào để hái hạt đó đem về trồng. Lúc đó một đàn chim trên trời bay tới, nhìn thấy Tôn Ngộ Không liền hỏi Tôn Ngộ Không đang làm gì. Tôn Ngộ Không nói: “Hoa Quả Sơn của ta mặc dù đã tuyệt vời nhưng vẫn thiếu cây trà, ta muốn hái một ít hạt trà đem về Hoa Quả Sơn trồng nhưng chưa biết làm thế nào.” Đàn chim nghe xong nói: “Chúng tôi sẽ hái giúp Hầu Vương.” Nói xong, chúng sải cánh bay đi, đến vườn trà của nước Nam, chúng sà xuống tỉa hạt trà rồi bay thẳng về Hoa Quả Sơn.

Đàn chim miệng ngậm hạt trà bay xuyên qua các tầng mây, vượt qua những ngọn núi cao, các con sông lớn, hướng về phía trước bay một mạch không dừng cánh. Không ngờ khi bay qua núi Lư, cảnh đẹp nguy nga của núi đã hấp dẫn chúng. Con chim đầu đàn không kìm nổi trước cảnh núi non hùng vĩ liền cất tiếng hót líu lo. Con chim đầu đàn vừa cất tiếng hót, những con chim khác cũng đồng loạt hót theo. Những hạt trà trong miệng chúng vì vậy mà bị rơi xuống, rơi đúng vào những thung lũng nham thạch trên những đỉnh cao nhất của núi Lư. Từ đó, núi Lư quanh năm một màu mây sương trắng xóa tự nhiên mọc lên một loại cây trà, sản sinh ra thứ trà Vân Sương mê hoặc lòng người.

Truyền thuyết về trà Hiệp Châu

Trà kinh của Lục Vũ ghi chép rằng: “Sơn Nam có trà Hiệp Châu thượng hạng, Hình Châu xếp thứ hai với trà Hằng Châu, chất lượng xếp thứ tư trong bốn cấp phân chia chất lượng trà.” Trà Hiệp Châu chính là tên của loại trà được trồng ở Nghi Xương. Nghi Xương nằm ở khu vực Tây Lăng Hiệp, Trường Giang. Nơi đây là một bức tranh thiên nhiên nhiều màu sắc, từng dãy núi nối tiếp nhau, trùng trùng điệp điệp, cây cối um tùm, mây và sương mù bao phủ trắng xóa một vùng, non xanh nước biếc, nước Trường Giang chảy suốt bốn mùa. Trà Hiệp Châu được sản xuất trên chính vùng đất trù phú được thiên nhiên ban tặng những ưu điểm có một không hai này.

Có thể bạn quan tâm:  Ấm Tử Sa: Loại ấm tử sa nào phù hợp với loại trà nào?

Lục Vũ khi uống trà Hiệp Châu, đã có sự cảm nhận sâu sắc và trong Trà kinh ông đã liệt trà Hiệp Châu vào danh sách các loại trà hàng đầu.

Hai bên bờ Tây Lăng Hiệp trước đây được gọi là Nghi Lăng, còn tên khác nữa là Hiệp Châu. Vùng này trà được trồng tầng tầng lớp lớp, trà mọc lên cao, vươn thẳng lên trời với màu xanh bát ngát. Loại trà Hiệp Châu nổi tiếng Trung quốc này sở dĩ duy trì được sự thịnh vượng của nó như vậy tương truyền là do chúng được trồng từ chính tay của Nam Hải Quán Thế Âm Bồ Tát. Đoạn giữa của Tây Lăng Hiệp được gọi là Đăng Ảnh Hiệp, bên bờ nam có bốn tảng đá rất kì lạ, tương truyền đó là hình ảnh của bốn thầy trò Đường Tăng.

Truyền thuyết kể lại rằng, Nam Hải Quán Thế Âm Bồ Tát đã gọi thầy trò Đường Tăng từ Thiên Nam Hải Bắc và phái họ đến chỗ Phật Tổ Như Lai ở Tây Thiên thỉnh chân kinh. Bốn thầy trò Đường Tăng trải qua tám mươi mốt vận nạn, cuối cùng cũng lấy được Tam tạng kinh điển đem về.

Khi họ trở về đến bờ nam của Tây Lăng Hiệp, Quán Thế Âm Bồ Tát cùng với đồ đệ Huệ An Hành Giả cưỡi mây hồng bay từ núi Phổ La Lạc Ca, Nam Hải đến Tây Lăng Hiệp đón bốn thầy trò Đường Tăng. Sáu người họ cùng đi đến một ngôi miếu cổ duy nhất trong vùng đó là miếu Hoàng Lăng để chỉnh sửa kinh.

Quán Thế Âm Bồ Tát đại từ đại bi, cứu khổ cứu nạn nhìn thấy những người đến miếu thờ cúng thần ai nấy đều rách rưới, mặt mũi xanh xao bệnh tật, đã động lòng thương. Ngài nghĩ, trong hậu viện của Vương Mẫu Nương Nương có một loại cây quý, lá cây bốn mùa xanh tốt, hằng năm Vương Mẫu Nương Nương đều cho người hái để làm nước uống đãi các vị tiên, nếu như đem hạt của cây đó xuống vùng này trồng sẽ giúp được dân chúng nơi đây thoát được khó khăn.

Thế là, ngài bảo Huệ An Hành Giả và bốn thầy trò Đường Tăng tiếp tục sửa kinh, còn mình cưỡi mây bay về thiên đình, hái những hạt cây trong hậu viện của Vương Mẫu Nương Nương. Quay lại hạ giới, ngài còn tận tay gieo những hạt cây đó xuống những vùng đất tốt nhất trong vùng. Sau đó khắp vùng Tây Lăng Hiệp trà mọc lên ngút ngàn và rợp khắp.

Có thể bạn quan tâm:  Ấm Thạch Biều: Nhược thủy tam thiên, duy ẩm nhất Biều

Trong cuốn Trà kinh, Thần trà Lục Vũ đã liệt trà Hiệp Châu vào danh sách đứng đầu trong tất cả các loại trà ngon trong nước. Từ đó trà Hiệp Châu được lưu truyền từ đời này qua đời khác.

Truyền thuyết về trà Tiên Nhân Chưởng

Chùa Ngọc Tuyền ở vùng phụ cận giáp với Tây Lăng Hiệp, Trường Giang là một ngôi chùa cổ, được bắt đầu khởi công xây dựng từ thời Tam Quốc. Trong chùa có trồng một loại trà tên là “Tiên Nhân Chưởng”.

Về loại trà này, có một câu chuyện bi tráng như thế này.

Truyền thuyết kể rằng trong một trận chiến loạn, chùa Ngọc Tuyền bị cướp bóc sạch và bị đốt cháy rụi, hơn hai trăm vị hòa thượng của nhà chùa đã chết và bị thương mất một nửa.

Đúng lúc đó có một vị tiên được Quán Thế Âm Bồ Tát đại từ đại bi phái đi thị sát tình hình nước non Tam Hiệp, đi qua vùng này nhìn thấy tình cảnh như vậy thì rất thương tâm. Lúc đó, vị tiên liền đưa bàn tay phải của mình ra, miệng ngậm nước tiên từ từ phun ra trước mặt, tiếp đó giơ bàn tay lên trời. Ngay lập tức, từ dưới mặt đất mọc lên những cây trà xanh biếc. Cùng với sự sinh trưởng của trà, những vị hòa thượng bị chết trong trận hỏa hoạn cũng từ từ sống lại.

Những vị hòa thượng trong chùa lập tức hiểu ra, việc sống lại từ cõi chết này có liên quan đến trà, vì vậy liền lập tức hái trà nấu cho những vị hòa thượng bị thương khác uống. Không lâu sau, những vị hòa thượng đã uống “trà tiên” ai nấy đều khỏe mạnh lại bình thường.

Sau khi sự việc diễn ra, mọi người ai nấy đều quỳ trước vị tiên do Nam Hải Quán Thế Âm Bồ Tát đã phái đến vùng Tây Lăng Hiệp đó để tạ ơn. Từ đó, chùa Ngọc Tuyền có một vườn trà. Những cây trà ở đó là do một vị tiên giơ bàn tay phải của mình ra để tạo thành, chính vì vậy mà chúng sinh ra những lá trà có hình dạng rất giống bàn tay. Để ghi nhớ công ơn vị tiên đó, các hòa thượng trong chùa gọi loại trà này là trà “tiên nhân chưởng” (bàn tay tiên).

Xem bài gốc tại Trà Cụ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *